Những điều mình thích và ghét sau hơn 6 năm theo ngành lập trình

Mấy nay viết bài kĩ thuật nhiều rồi nên hôm nay anh em mình ngồi tâm sự chém gió chút về chuyện ngành này nhé.

Đi làm cũng được vài năm rồi, nên hôm nay mình tâm sự mỏng về những điều mình thích và ghét sau hơn 6 năm năm theo ngành ha.

Tất cả những điều này đều dựa theo trải nghiệm của bản thân mình, thông qua các dự án/công ty mình đã làm qua. Do vậy nó hơi mang tính chủ quan của bản thân mình nha.


Đầu tiên, phải nói về những cái vui, những cái thích khi theo ngành trước nè.

Công việc vui và thú vị

Bản thân mình thấy thích lập trình; do vậy, được làm việc, được code mỗi ngày bản thân nó đã là 1 niềm vui. Ngành này được cái đỡ phải lao động chân tay nhiều, chỉ ngồi code 1 chỗ. Trừ những lúc OT thì tính ra công việc cũng vừa phải, không quá nặng nhọc, anh em chịu khó tập thể dục bù là được

Dự án thì có cái dùng công nghệ cũ, công nghệ mới; có lúc code chức nay hay, có lúc code chức năng xàm.

Tuy nhiên, mỗi lần code xong 1 chức năng, sửa được 1 con bug khó nhằn, bạn sẽ cảm thấy rất vui, tự hào, giống như giải được 1 bài toán khó hoặc vừa xếp hình xong vậy (Xếp hình nghĩa đen nha mấy pa).

Do kiến thức trong ngành rất hay thay đổi, nên nếu chịu khó học tập, mày mò, bạn cũng sẽ khó cảm thấy … chán, vì có rất nhiều thứ để học, để tìm hiểu và áp dụng.

Công nghệ thay đổi rất nhanh. Tới lúc bạn đọc bài này thì 40-60% các công nghệ trong tấm ảnh này đã “bay màu”, trở thành công nghệ cũ rồi đấy!

Việc nhiều, lương kha khá đủ sống

Tầm 5, 10 năm nữa thì mình không rõ, nhưng hiện tại ngành IT vẫn là 1 ngành có cầu nhiều hơn cung. Do vậy, các công ty sẵn sàng trả lương cao để tìm và giữ mấy ông dev xịn.


Về cơ bản, nếu bỏ qua yếu tố ngôn ngữ, thì code của 1 ông dev ở Việt Nam cũng không khác gì mấy ông dev ở nước ngoài. Do vậy, nhiều công ty mở TechHub, mở chi nhánh ở Việt Nam, sẵn sàng trả lương kha khá để tuyển dev.

Mức lương 2-3k$ mỗi tháng mà các bạn thấy cao ở VN, thật ra chỉ bằng 1/2, 1/3 các ông dev nước ngoài lương 8k-12k$/mỗi tháng thôi hà!

Mức lương chục triệu, trăm triệu so với nước ngoài là kha khá nhé!

Sản phẩm làm ra giúp được cho nhiều người

Nếu bạn bán bánh mì, 1 ổ bánh mì bạn là giúp 1 người qua cơn đói. Nếu bạn chạy grab, 1 cuốc xe bạn chạy giúp 1 người tới nơi cần tới.

Với lập trình thì khác. 1 chức năng bạn làm ra có thể giúp 100 người, 1000 người làm việc hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian hơn. Ở những công ty công nghệ lớn, con số này không tính theo nghìn, mà là hàng trăm nghìn, hàng triệu.

Khi thấy phần mềm của mình được nhiều người dùng, giúp được cho họ, bạn sẽ thấy công sức mình bỏ ra có ý nghĩa hơn.

Hồi xưa, mình làm startup Algomerchant, thấy phần mềm nhỏ nhỏ giúp hơn 100 khách hàng đầu tư/trading tổng số tiền tầm 1 triệu đô là mình thấy vui rồi. Ở công ty hiện tại, phần mềm mình và team giúp hàng ngàn khách hàng đi gần chục ngàn cuốc xe mỗi tháng.

 

Đấy, nói cái thích thì nói cả buổi cũng chưa hết. Do vậy nên mình nói mấy cái mình ghét, để anh em xem và ngẫm theo có nên vào ngành không nha.

Thái độ coi trọng công nghệ, coi thường người khác

Dân engineer, dân kĩ thuật tụi mình thường coi trọng những người có tay nghề, có kiến thức, làm được việc; ghét những đứa hay chém gió, code dở code ẩu.


Tuy vậy, như mình đã chia sẻ, công nghệ chỉ là 1 trong nhiều yếu tố quyết định thành công. Nhiều ông lại quá coi trọng công nghệ, thấy công ty dùng công nghệ cũ cũng chê, thấy người ta code chưa tốt cũng chê; đọc bài viết công nghệ thì chỉ chăm chăm bắt lỗi, thể hiện trình độ bản thân.

Thể loại này nếu gặp trên mạng thì còn đỡ, còn nếu là đồng nghiệp thì … các bạn né né ra kẻo dính đạn nha!

Né mấy đứa khoe trình trên mạng ra luôn ahihi

Qui trình phỏng vấn rườm rà mệt mỏi, nặng thuật toán

Các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google, Amazon, … đặt nặng phần thuật toán. Thông thường, các ứng viên sẽ phải mua những cuốn sách dày cộm, ôn khoảng 3-6 tháng từ thuật toán cho tới system design v…v

Các công ty này cần xây dựng hệ thống lớn, phục vụ hàng trăm triệu người dùng, nên họ dùng thuật toán để đánh giá khả năng tư duy, kiến thức của lập trình viên. Một số công ty vừa và nhỏ cũng bắt chước theo.

Tuy vậy, đa phần anh em lập trình viên nước trong lẫn nước ngoài đều không ưa kiểu phỏng vấn này! Đơn giản là vì trong công việc thường ngày không dùng thuật toán nhiều, nên có rất nhiều thứ phải ôn lại, chuẩn bị lại để đi phòng vấn.

Bác DHH, người viết ra framework Ruby on Rails cũng ghét kiểu PV Whiteboard =))

Ngoài ra, mấy dạng thuật toán này cũng không đánh giá được khả năng tổ chức code, làm dự án thật, mà những ai cày cuốc nhiều, ôn nhiều trúng tủ sẽ được ưu tiên hơn.

Title loạn xà ngầu

Theo ngành này tầm vài ba năm, các bạn sẽ thấy nhiều chức danh như senior/full stack nghe rất là hầm hố nhưng thật ra chỉ … có giá trị tham khảo.


Không tin á, bạn thử hỏi 3 HR công ty khác nhau, hoặc 3 ông full stack công ty khác nhau xem, thế nào là tiêu chí để đánh giá 1 senior/ 1 full-stack đi. Đảm bảo bạn sẽ nhận được 3 câu trả lời khác nhau cho mà xem.

Thật ấy, trong ngành mình title khá là loạn, đa phần công ty định giá title theo số năm kinh nghiệm, một số chỗ lại dựa theo chứng chỉ, theo các dự án đã làm.

Do vậy, các bạn mới sẽ… không biết đường nào mà lần, không biết làm bao lâu, làm gì thì lên được senior. Hoặc có khi senior giả cầy công ty này, chứng chỉ đầy mình, qua công ty phỏng vấn lại rớt vì trình thua cả junior thôi.

Senior thì được cái oai hơn và đòi trả lương cao hơn được nha!

Tạm kết

Đấy, tâm sự mỏng mà sao chém gió 1 hồi bài viết cũng dài quá trời rồi! Thích thì thích, ghét thì ghét vậy thôi chứ mình thấy ngành này vẫn còn vui chán, vẫn đủ nuôi sống bản thân mình và vợ con sau này nữa!


Nguồn: https://toidicodedao.com/2020/11/10/thich-va-ghet-nganh-lap-trinh/

  • Lam
    Phan Kieu Lam

    Yêu lập trình và thích vẽ vời, hy vọng có ích cho đời

Bài liên quan

0
Nhấp vào đây để xem chi tiết